Trong một báo cáo mới công bố của CBRE, TPHCM lọt vào top 5 thành phố thu hút các nhà đầu tư bất động sản tại châu Á Thái Bình Dương.
Trong tháng 11 và 12/2020, CBRE đã thực hiện khảo sát trên 490 nhà đầu tư tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về ý định và kế hoạch đầu tư bất động sản trong năm 2021.
Theo đó, khu vực được các nhà đầu tư quan tâm nhất là Tokyo (Nhật Bản), Singapore đứng thứ 2. Seoul (Hàn Quốc), Thượng Hải (Trung Quốc) lần lượt giữ vị trí thứ 3 và thứ 4. Các nhà đầu tư thể hiện sự quan tâm lớn đến thị trường TP.HCM khi thị trường TP.HCM đứng vị trí thứ 5, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến mảng sản xuất, công nghiệp và kho vận.
Theo bà Đặng Phương Hằng, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, TPHCM được các nhà đầu tư quan tâm nhiều trong những năm qua, đặc biệt là những nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội tại Đông Nam Á. Các tài sản bất động sản tại TPHCM các nhà đầu tư được cho là có nhiều tiềm năng để tăng giá trị và tỷ suất sinh lời cao.
Các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường Đông Nam Á cho biết sẽ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các bất động sản trong năm tới. Có 39,4% những nhà đầu tư này sẵn sàng trả giá cao hơn 10% so với năm 2020 và 19,7% sẵn sàng trả nhiều hơn mức 10%.
Về loại hình, các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản có tiềm năng tăng giá trị và tài sản cốt lõi và một số bắt đầu tìm kiếm tài sản đang bị áp lực tài chính. Bất động sản công nghiệp, kho vận và văn phòng tiếp tục là loại hình được tìm kiếm, trong khi bất động sản du lịch dần phục hồi.
Có 60% nhà đầu tư được khảo sát có dự định mua nhiều bất động sản hơn trong năm 2021, đây là tỷ lệ cao nhất mà CBRE ghi nhận kể từ năm 2016. Hơn 70% nhà đầu tư có ý định mua tài sản ở nước ngoài trong năm 2021 và dự tính sẽ đầu tư vào khu vực Châu Á.
CBRE cho biết, trên thực tế nhu cầu đầu tư vẫn được duy trì nhưng chỉ tạm thời bị gián đoạn trong năm 2020 do dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng đến nền kinh tế, việc đi lại giữa các quốc gia bị hạn chế và những rủi ro trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát. Một số nguồn vốn sẵn có đã nằm trong kế hoạch đầu tư nhưng chưa giải ngân được trong năm 2020. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, đơn vị này quan sát thấy khá nhiều nhà đầu tư trong khu vực châu Á Thái Bình Dương đã áp dụng chiến lược đầu tư theo hai hướng, tập trung vào cả tài sản cối lõi hoặc tài sản đang bị áp lực tài chính.
Dr. Henry Chin, Trưởng bộ phận Nghiên cứu châu Á Thái Bình Dương của CBRE nhận định, sự gia tăng mức độ quan tâm đến các tài sản cốt lõi cho thấy các nhà đầu tư đang chú trọng vào dòng tiền ổn định. Các tài sản có hợp đồng thuê và giá thuê ổn định trong ba năm tới hoặc lâu hơn đang hấp dẫn hơn nhiều so với các loại tài sản khác.
“Về mặt đầu tư cơ hội, nhà đầu tư tiếp tục rót vốn vào đất phát triển dự án bao gồm đất xây dự án để cho thuê ở Thái Bình Dương và tài sản logistics tại cả châu Á và Thái Bình Dương. Những tài sản đang chịu áp lực tài chính cũng được nhà đầu tư khắp nơi xem xét trở lại lần đầu tiên kể từ cuộc Khủng hoảng kinh tế toàn cầu tại hai thị trường là Trung Quốc và Ấn Độ”, chuyên gia này chia sẻ.
Logistics là loại hình bất động sản rất được quan tâm đầu tư vì dịch bệnh đã đẩy nhanh sự phát triển và tiêu thụ của kênh bán hàng trực tuyến e-commerce. Mặc dù sự quan tâm đến bất động sản văn phòng có giảm, các nhà đầu tư vẫn khá lạc quan về tiềm năng của thị trường này, ước tính hoạt động mua bán văn phòng sẽ giảm không quá 10% trong ba năm tới.
Trung tâm dữ liệu (Data center) nhận được nhiều quan tâm vì các cuộc gọi video và các ứng dụng hỗ trợ làm việc tại nhà đã tăng nhu cầu lưu trữ dữ liệu. Ngoài ra, kho lạnh và nợ là hai loại hình đầu tư thay thế ghi nhận mức độ quan tâm cao hơn so với năm 2020.