Dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết với tổng chiều dài 99km dự kiến sẽ thông xe kỹ thuật vào 31/12/2022 và hoàn thành vào quý 1 năm tới. Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh “dự án đã lùi tiến độ một lần, không còn lùi được nữa”.

Tiếp nối chuyến công tác tại Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cũng đã có mặt kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết (qua địa phận hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai) thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Báo cáo với Bộ trưởng, Đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư dự án) cho biết, tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đã hoàn thành trên 77% khối lượng công việc. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành. Chủ đầu tư cam kết đẩy nhanh tiến độ, dồn mọi nguồn lực cho dự án này để đảm bảo thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12 tới đây.

Sau khi lắng nghe báo cáo của của đơn vị thực hiện kết hợp với quan sát thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá khối lượng còn lại của dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây rất lớn. Theo hợp đồng, dự án này sẽ được hoàn thành vào năm 2022. Theo đó, thời gian còn lại cho dự án này là rất ít, trong khi khối lượng công việc còn nhiều, phụ thuộc ít nhiều vào thời tiết.

Tuy nhiên, vấn đề đẩy nhanh tiến độ, yêu cầu kỹ thuật và chất lượng cũng cần đi đôi với nhau. Theo đó, việc thông xe là thách thức rất lớn của CĐT và các nhà thầu.

“Dự án đã lùi tiến độ một lần rồi, vì vậy không còn lùi được nữa, 30/4/2023 phải xong toàn bộ dự án”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Dự án xây dựng cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có tổng chiều dài 99 km. Điểm đầu tuyến tại Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và điểm cuối kết nối với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây tại xã Lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Về quy mô xây dựng, tuyến đường được quy hoạch với quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/giờ. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ xây dựng 4 làn xe. Hệ thống công trình cầu gồm 68 cầu, với 18 cầu trên đường cao tốc, 40 cầu vượt trực thông với đường cao tốc, 10 cầu trong nút giao liên thông.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án hơn 18.100 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 11.000 tỉ đồng. Khởi công từ tháng 9/2020, dự án dự kiến thi công trong 36 tháng, hoàn thành vào cuối năm 2022. Thời gian hoàn thành sau đó được điều chỉnh sang quý 1/2023.

Khi hoàn thành, đường cao tốc sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ, cũng như giải quyết tình trạng quá tải cho Quốc lộ 1 hiện tại.

Theo Cafeland