Nhà nước khuyến khích hộ gia đình, cá nhân phát triển kinh tế trang trại nhằm sử dụng có hiệu quả đất đai. Bên cạnh phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả thì hộ gia đình, cá nhân cũng cần nắm rõ quy định sử dụng đất trang trại.

Đất trang trại là gì?

Hiện nay pháp luật đất đai không quy định hay giải thích thế nào là đất trang trại. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định đất sử dụng cho kinh tế trang trại và thực tiễn có thể hiểu đất trang trại như sau:

Đất trang trại là đất sử dụng vào phát triển kinh tế trang trại với mục đích chủ yếu là sản xuất hàng hóa nông nghiệp, nông thôn và chủ yếu dựa vào hộ gia đình nhằm mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, gắn sản xuất với chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Đất trang trại thông thường thuộc nhóm đất nông nghiệp như: Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác.

Quy định cần lưu ý khi sử dụng đất làm trang trại

Pháp luật đất đai hiện nay quy định khá chi tiết về việc sử dụng cho kinh tế trang trại. Nội dung quy định này được thể hiện tại Điều 142 Luật Đất đai 2013, cụ thể:

1. Nhà nước khuyến khích hình thức kinh tế trang trại của hộ gia đình, cá nhân

Khuyến khích hình thức kinh tế trang trại của hộ gia đình, cá nhân nhằm khai thác có hiệu quả đất đai để phát triển sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối gắn với dịch vụ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

2. Nguồn sử dụng đất cho phát triển kinh tế trang trại đa dạng

Khoản 2 Điều 142 Luật Đất đai 2013 quy định đất sử dụng cho kinh tế trang trại gồm:

– Đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối quy định tại Điều 129 Luật Đất đai 2013;

– Đất do Nhà nước cho thuê;

– Đất do thuê, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho;

– Đất do nhận khoán của tổ chức;

– Đất do hộ gia đình, cá nhân góp.

Như vậy, có thể thấy bên cạnh việc pháp luật đất đai hiện hành quy định hạn mức sử dụng đất nhằm ngăn chặn xu hướng tập trung đất dẫn đến phân hóa giàu nghèo, nông dân không có đất sản xuất thì còn giúp quản lý tổ chức sản xuất trong nông nghiệp tốt hơn.

Ngoài ra, Nhà nước vẫn khuyến khích hộ gia đình, cá nhân có khả năng sản xuất giỏi có thể phát triển tốt mô hình kinh tế trang trại với quy mô lớn hơn thay vì giới hạn bởi hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định tại Điều 129 Luật Đất đai 2013 bằng quy định hộ gia đình, cá nhân có quyền góp đất để sản xuất, kinh doanh kinh tế trang trại.

3. Được chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định; sử dụng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

– Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất làm kinh tế trang trại được chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất theo quy định của pháp luật.

– Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất làm kinh tế trang trại phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, không có tranh chấp thì được tiếp tục sử dụng theo quy định sau đây:

+ Trường hợp đất được giao không thu tiền sử dụng đất trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Đất đai 2013 thì được tiếp tục sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật Đất đai 2013.

Nghĩa là thời hạn sử dụng đất đối với trường hợp trên là 50 năm; khi hết thời hạn, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn 50 năm mà không phải thực hiện thủ tục xin gia hạn.

+ Trường hợp đất được giao không thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối khi hết thời hạn được giao thì phải chuyển sang thuê đất.

+ Trường hợp sử dụng đất do được Nhà nước cho thuê, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, được tặng cho, nhận khoán của tổ chức; do hộ gia đình, cá nhân góp vốn thì được tiếp tục sử dụng theo quy định Luật Đất đai 2013.

4. Nghiêm cấm việc lợi dụng hình thức kinh tế trang trại để bao chiếm, tích tụ đất đai không vì mục đích sản xuất

Bên cạnh việc khuyến khích hình thức kinh tế trang trại của hộ gia đình, cá nhân thì Nhà nước cũng nghiêm cấm việc lợi dụng hình thức kinh tế trang trại để bao chiếm, tích tụ đất đai không vì mục đích sản xuất (theo khoản 5 Điều 142 Luật Đất đai 2013).

Việc nghiêm cấm này không chỉ được thể hiện bởi quy định tại khoản 5 Điều 142 Luật Đất đai 2013 mà còn có chế tài áp dụng nếu người sử dụng đất có hành vi trên.

Chế tài áp dụng được thể hiện bằng một số quy định như Nhà nước sẽ thu hồi đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục (theo điểm h khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013).

Theo Luatvietnam.vn