Nhờ năng lực liên kết vùng ngày càng hoàn thiện, không gian phát triển của TP. Hồ Chí Minh hiện đã không còn giới hạn về địa giới hành chính mà đã mở rộng sang các tỉnh lân cận. Đặc biệt, nhờ vị trí chiến lược, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm được triển khai và là lựa chọn hàng đầu của dòng vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc sang, Đồng Nai đang trên đường trở thành một lõi trung tâm mới tọa lạc ngay tại cửa ngõ phía Đông Sài Gòn.

Đòn bẩy hạ tầng

Thị trường bất động sản Đồng Nai hâm nóng ngay từ những ngày đầu năm. Báo cáo thị trường của DKRA Việt Nam cho thấy, ở phân khúc nhà phố, biệt thự tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận tháng 1/2021 ghi nhận có 5 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 763 căn.

Trong đó, thị trường Đồng Nai chiếm ưu thế tuyệt đối với 685 căn đến từ 3 dự án. Từ đây đến cuối năm, đi cùng hàng loạt dự án có quy mô lớn được các chủ đầu tư dự kiến ra hàng, cuộc đua tăng giá của thị trường địa ốc Đồng Nai sẽ càng thêm nóng bỏng.

Theo các nhà phân tích, bất động sản Đồng Nai thu hút được giới đầu tư nhờ hưởng lợi từ hạ tầng khủng cùng sự phát triển các khu công nghiệp, trung tâm thương mại. Hơn nữa, việc kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai ngày càng nhanh chóng đã thu hút dân cư, tạo cơ hội phát triển cho nhiều loại hình kinh doanh bất động sản.

Chỉ cách TP. Thủ Đức một con sông, tọa lạc ngay cửa ngõ phía Đông của Sài Gòn, vùng Biên Hòa – Đồng Nai đang trở thành hấp lực mới kích thích sự quan tâm của dòng tiền bất động sản nhờ loạt dự án hạ tầng tỉ USD đã và đang được triển khai.

Tiêu biểu như đề án kéo dài tuyến Metro số 1 vượt sông Đồng Nai kéo dài đến Biên Hòa, đầu tư tuyến Hương lộ 2 nối dài kết nối Biên Hòa vào cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, khởi công cầu Vàm Cái Sứt giúp khơi thông huyết mạch giao thông ở khu nam Biên Hòa…

Đó còn là các dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, mở rộng quốc lộ 51, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành. Tất cả sẽ hợp lực cùng tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thànhcao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây hiện hữu để tạo thành hệ thống giao thông huyết mạch, kết nối thuận tiện với sân bay quốc tế Long Thành.

Việc sân bay Long Thành đi vào khai khác từ 2025 sẽ mở ra không gian phát triển mới cho vùng, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy cơ cấu kinh tế mới, chuyên về sản xuất dịch vụ tạo ra năng lực cạnh tranh mới cho cả vùng Đông Nam bộ và các khu vực khác.

Tiềm năng thành phố Công nghiệp – Dịch vụ – Du lịch sầm uất

Với công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm khi hoàn tất cả 3 giai đoạn đầu tư, sân bay quốc tế Long Thành sẽ trở thành cảng hàng không lớn nhất Việt Nam trong tương lai. Đây cũng được đánh giá là lợi thế cạnh tranh về kinh tế, chính trị, văn hóa, du lịch rất lớn của tỉnh Đồng Nai so với các tỉnh thành lân cận, thậm chí trên bình diện chung của cả nước.

Nhắc đến tiềm năng của Đồng Nai không thể không nhắc đến vai trò của cơ sở hạ tầng công nghiệp. “Xét  về mặt địa lý, Đồng Nai được xem như là lõi trung tâm của khu vực phía đông TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, tỉnh này còn có kết nối dễ dàng với các tỉnh thành khác như Bình Dương, Long An và cảng biển nước sâu Cái Mép-Thị Vải, nơi có hệ thống cảng biển dài hơn 11km”, tiến sĩ Sử Ngọc Khương, giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định.

Trương Hoàng Tú Viên
Theo Tạp chí tài chính