Dự kiến ngày 26/8 sẽ thông hầm núi Vung – một trong những hầm đường bộ dài và quy mô lớn nhất trên tuyến cao tốc Bắc – Nam.
Ngày 17/8, ghi nhận của PV Báo Giao thông bên trong công trường hầm núi Vung (dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo), nhiều máy móc, thiết bị được huy động, không khí thi công rất khẩn trương.
Các công nhân đang tập trung cao độ công tác nổ mìn, khoan, phá đá những mét cuối cùng đầu hầm phía Nam. Song song đó gia cố xử lý kỹ thuật thi công mặt đường và các vách hầm để chuẩn bị thông nhánh hầm thứ hai cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo.
Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo (thuộc Ban QLDA 85) cho biết, hiện nay nhà thầu đang gấp rút thi công trên toàn tuyến. Hầm núi Vung nhánh bên phải cũng sẽ được nối thông vào cuối tháng 8 này.
“Theo kế hoạch, toàn tuyến chính sẽ được thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 12/2023. Các nút giao, hạng mục phụ trợ, an toàn giao thông sẽ được hoàn thiện để dự án đưa vào khai thác cuối tháng 4/2024”, ông Long nói.
Ông Ngô Hữu Khoa, Chỉ huy trưởng thi công hầm núi Vung, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo cho biết, hàng ngày nhà thầu bố trí nhiều mũi thi công làm việc liên tục, nổ mìn, khoan phá đá để sớm thông hầm.
“Sau khi xử lý kỹ thuật đới đất yếu, nay nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công khoan mỗi ngày được 6 – 7m. Dự kiến ngày 26/8, hầm núi Vung sẽ được thông tuyến”, ông Khoa nói.
Hầm núi Vung (dài 2,2km) được thi công theo phương pháp đào hầm mới của Áo (the New Australian Tunnelling Method – NATM). Công nghệ được đánh giá giúp thi công linh hoạt trong nhiều điều kiện địa chất và an toàn hơn so với công nghệ xây hầm truyền thống.
Bên trong hầm núi Vung.
Trước đó vào đầu tháng 7, nhánh hầm núi Vung bên trái đã được nối thông, hai mũi đào từ hướng Bắc và hướng Nam của hầm đã hợp long với độ chính xác tuyệt đối. Đây là dấu mốc quan trọng, giúp đưa toàn dự án hoàn thành đúng tiến độ vào cuối tháng 4/2024.
Theo Công ty CP Cam Lâm – Vĩnh Hảo, trong quá trình đào hầm, mũi thi công hầm từ phía Nam gặp địa chất yếu, khác với hồ sơ thiết kế kỹ thuật ban đầu của Bộ GTVT phê duyệt.
Để khắc phục, Tập đoàn Đèo Cả đã mời chuyên gia của Hội đồng kiểm tra nhà nước, Ban QLDA 85, tư vấn thiết kế kỹ thuật cùng thống nhất phương án xử lý, tăng cường kết cấu chống đỡ.
Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo dài 78,5km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa (gần 5km), Ninh Thuận (63km), Bình Thuận (gần 12km). Dự án do liên danh Tập đoàn Đèo Cả – Công ty 194 làm nhà đầu tư. Đến nay, đoạn tuyến từ Km 92+260 – Km134 do Đèo Cả đã thực hiện.
Dự kiến, đến cuối tháng 4/2024 sẽ hoàn thành toàn tuyến. Đối với công trình hầm, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 sẽ hoàn thiện 1 ống hầm, phục vụ khai thác với 2 làn xe 2 chiều, vận tốc 80km/h. Sau hoàn thành, tuyến cao tốc này kết nối đoạn Nha Trang – Cam Lâm với Vĩnh Hảo – Phan Thiết nối mạch thông suốt, rút ngắn hành trình từ TP.HCM đi các tỉnh Nam Trung Bộ và ngược lại.
Theo Vĩnh Phú
Baogiaothong.vn