Dự kiến tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ sẽ khởi công vào năm 2025, trong đó nhiệm vụ đặt ra là phải hoàn thành thiết kế dự án này vào năm 2024.
Đó là nội dung quan trọng được thảo luận trong cuộc họp do đoàn công tác của Bộ GTVT chủ trì về dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ sáng 17-5.
Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, đại diện 5 tỉnh TP có tuyến đường sắt đi qua gồm TP.HCM, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long và Bình Dương.
Tại cuộc họp các tỉnh thành đều mong muốn, kỳ vọng về tuyến đường sắt cao tốc TPHCM – Cần Thơ sớm triển khai thi công, hoàn thành để phục vụ người dân, vận chuyển hàng hóa.
Tại đây, các chuyên gia, địa phương muốn sớm khởi công dự án. Các chuyên gia đề nghị TP, Bộ GTVT chỉ đạo lực lượng thiết kế làm trong phạm vi từ nay đến năm 2024 xong thiết kế, vào năm 2025 – 2026 sẽ thi công. Từ đó, để tuyến TP.HCM – Cần Thơ vào quy hoạch phát triển liên kết vùng đô thị.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng có rất nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá kinh tế – xã hội toàn vùng chưa đủ để đầu tư. Đây là cách tư duy giao thông chỉ đi theo phục vụ nhu cầu, mà không đi trước mở đường tạo không gian phát triển.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP cho rằng hiện nay cần thay đổi tiếp cận dưới góc độ giao thông. Từ đó, định hướng mở đường tạo không gian phát triển, đóng góp vào định hướng phát triển kết nối vùng ĐBSCL, tạo ra động lực mới cho kinh tế toàn vùng trọng điểm phía Nam.
Vì vậy, cần gấp rút triển khai sớm, hoàn thành cơ bản hồ sơ trước năm 2025. Thực hiện dự án trong giai đoạn 2025 – 2030.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết các mô hình ga đô thị rất quan trọng, giúp định hình lại đô thị. Từ đó, tái cấu trúc dân cư, cơ sở hạ tầng cho sản xuất, dịch vụ… và đây là nguồn lực để thực hiện dự án.
Ngay từ bây giờ cần chia dự án này thành ba nhóm như mặt bằng, đầu tư tàu và xây dựng các ga đô thị.
Đồng thời xác định nhóm công việc cụ thể, nhóm nào thực hiện từ nguồn ngân sách và nhóm nào cần kêu gọi đầu tư, sử dụng khoản thu từ quỹ đất dọc nhà ga. Như vậy, dự án mới có thể cân đối hoặc có thể sử dụng ngân sách một phần.
Tại hội nghị, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cũng đề nghị hướng tuyến đoạn từ ga Tân Kiên điều chỉnh sang phía các hướng cao tốc phía Đông Nam Bộ là hợp lý.
Việc điều chỉnh quy hoạch sao cho phù hợp, tránh gây khó khăn trong công tác đền bù GPMB sau này.
Ông Bằng đề nghị đơn vị tư vấn cùng Ban Quản lý đường sắt nên làm việc cụ thể với Sở Quy hoạch – Kiến trúc và từng quận huyện để rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chi tiết. Việc này nhằm điều chỉnh hướng tuyến của dự án sao cho phù hợp.
Bên cạnh đó là cần nghiên cứu vị trí các ga theo tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, vì có ga Tân Kiên có diện tích lớn 75 ha, song cũng có những ga khác có diện tích nhỏ. Vì vậy, cần nghiên cứu để sử dụng diện tích đất này, hướng phát triển đô thị dọc tuyến theo hình thức TOD.
Điểm đặc biệt, khi tuyến đi qua TP.HCM sẽ có nhiều điểm giao cắt phức tạp với nhiều đô thị hiện hữu. Từ đó có thể gây ùn tắc giao thông.
Ông Bằng đề nghị nghiên cứu phương án đi trên cao tuyến đường sắt này khi đi qua địa phận TP.HCM. Điều này có thể khiến chi phí thực hiện sẽ cao hơn nhưng bài toán giao thông sẽ được giải quyết.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã lưu ý đơn vị tư vấn và các địa phương phải chú ý đến việc bố trí vị trí các nhà ga, đặc biệt là nhà ga hàng hóa.
Đồng thời, các đơn vị cũng cần nghiên cứu để kết nối các nhà ga với các nguồn hàng, để tạo điều kiện thuận lợi khi vận chuyển hàng hoá với tuyến đường sắt.
Các địa phương cần sớm đưa dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ vào quy hoạch chung để có cơ sở pháp lý thỏa thuận về ranh, hướng tuyến.
Tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ có điểm đầu là ga An Bình (Bình Dương), điểm cuối là ga Cái Răng, TP Cần Thơ.
Dự án có chiều dài toàn tuyến khoảng 174 km với 13 nhà ga, đi qua 6 tỉnh, thành gồm Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.
Dự án sử dụng tuyến đường đôi, sử dụng khổ đường sắt tiêu chuẩn 1.435 mm, tốc độ thiết kế khoảng 190 km/giờ cho tàu khách và 120 km/giờ cho tàu hàng.
Trước đó, theo quy hoạch được duyệt từ năm 2013, tàu chở khách sẽ chạy tốc độ hơn 200 km/giờ. Dự kiến rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm kinh tế trọng điểm phía nam với Cần Thơ xuống chỉ còn 45 phút.