Trong khi TP.HCM thiếu sản phẩm chào bán, Bình Dương tập trung đẩy mạnh ra hàng căn hộ, nhu cầu mua nhà liền thổ đang dồn về hai thị trường chính là Long An và Đồng Nai, trong đó Long An chiếm lợi thế nhờ giá bán hấp dẫn.
Long An thành tâm điểm tìm mua nhà đất giá mềm
Nếu phần lớn dân đầu tư cá mập thích chạy theo các đợt sốt đất, sốt giá ảo tại các thị trường nóng với tham vọng trúng đậm thì người mua thực và nhà đầu tư dài hạn lại tỉnh táo hơn trong lựa chọn sản phẩm và thị trường đầu tư. Xét về khía cạnh sản phẩm, BĐS liền thổ và đất nền vẫn là kênh đầu tư và bảo tồn vốn được lựa chọn hàng đầu. Với dạng sản phẩm này, TP.HCM gần như không còn là sân chơi rộng mở cho nhiều cá nhân khiến thị trường nhà liền thổ tập trung về vùng vệ tinh Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An và Đồng Nai.
Theo tìm hiểu của Batdongsan.com.vn, xét trên giao dịch sơ cấp, giá nhà liền thổ tại TP.HCM hiện ở mức trung bình 120-300 triệu/m2, riêng quý 4/2020 giá nhà còn tăng thêm 13% so với cùng kỳ. Tương tự, ở các thị trường Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu, dù chịu áp lực từ Covid-19 nhưng giá nhà vẫn tăng trung bình từ 15-30% trong năm 2020. Cụ thể, giá nhà liền thổ tại Bình Dương vào khoảng 55-90 triệu/m2; Đồng Nai theo sau với mức giá trung bình từ 40-70 triệu/m2; Long An với tầm giá 20-40 triệu/m2. Long An cũng là tỉnh duy nhất còn nhiều sản phẩm nhà đất có tầm giá thấp nên đang là thị trường thu hút nhiều giao dịch nhà liền thổ từ đối tượng mua có tài chính tầm trung.
Dữ liệu lớn (big data) của Batdongsan.com.vn cũng chỉ ra, nhu cầu mua cao nhưng Long An lại là thị trường có sản phẩm chào bán ít nhất trong các đô thị vệ tinh của TP.HCM. Đây là tỉnh có tỷ lệ chênh lệch giữa sức mua và lượng hàng chào bán cao nhất, lên đến 20%. Cụ thể, tính riêng trong 2 tháng đầu năm, tổng lượng sản phẩm nhà đất rao bán tại Long An chỉ đạt khoảng 70% so với cùng kỳ trong khi nhu cầu tìm mua tại thị trường này vẫn duy trì gần 91%. Tỷ lệ chênh lệch giữa cung và cầu tại Long An là hơn 20%, con số này tại Bình Dương chỉ đạt 9%, Đồng Nai 18% và Bà Rịa – Vũng Tàu là 15%. Nhìn chung nhu cầu mua đất nền, nhà liền thổ tại Long An đang cao hơn mức cung hiện hữu, nhất là nhu cầu mua đất nền giá rẻ, nhà liền thổ tầm giá 3-5 tỷ đồng.
Sở dĩ Long An có nguồn cung nhà đất hiện hữu hạn chế là do chính sách siết cấp phép dự án. Tuy nhiên nhờ vậy mà chất lượng các dự án đang chào bán hiện tại được nhận định là tốt cả về vị trí, quy hoạch và pháp lý. Loạt dự án chào bán gần đây như The Sol City, Phúc An City, West Lakes Golf & Villas và đại đô thị Waterpoint của Nam Long đều nổi bật, thu hút được nhiều sự quan tâm. Đặc biệt là khu đô thị Waterpoint, dự án đô thị sinh thái nổi bật nhất thị trường khu Tây với tổng diện tích lên đến 355 ha, quy hoạch theo hình thái thành phố thu nhỏ, cung cấp loạt sản phẩm đa dạng gồm nhà ở thấp tầng, cao tầng; khu phức hợp văn phòng; khu mua sắm, dịch vụ và giải trí; bệnh viện; khu giáo dục; khu thể thao… Dự án này ghi nhận sức tiêu thụ và lượng quan tâm luôn đứng đầu thị trường Long An.
Sức hấp dẫn không chỉ đến từ giá bán
Bà Trang Bùi, Giám đốc thị trường JLL Việt Nam nhận xét, so sánh với Bình Dương hay Đồng Nai, Long An có lợi thế nhỉnh hơn khi mức giá phù hợp với những người có thu nhập thấp, đặc biệt là đối tượng người lao động có nhu cầu nhà ở và cả những hộ gia đình trẻ tài chính tầm trung ưa chuộng nhà liền thổ có khuôn viên. Một thế mạnh to lớn khác của Long An chính là vị trí “gạch nối” giữa TP.HCM và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhà đầu tư đổ về thị trường này phần lớn trong tâm thế đi săn sản phẩm tốt để đón trước thời cơ nhà đất tăng giá.
Ông Trần Việt Khoa, P.TGĐ Công ty BĐS Hoa Khải Land nhận định, Bình Dương hay Đồng Nai đều là những khu vực phát triển lâu đời, hệ thống hạ tầng bài bản nên quỹ đất không còn nhiều, giá bán cao nên thanh khoản không dễ. Trong khi đó, khu vực Long An cách TP.HCM không xa nhưng giá đất vẫn ở tầm trung, hợp với nhà đầu tư tài chính hạn chế. Giá mềm cũng giúp biên độ lợi nhuận và thanh khoản của thị trường tăng trưởng tốt. Long An có thế mạnh về cảng biển và khu công nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 khu công nghiệp và 32 cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy từ 70-90%. Tốc độ gia tăng dân số cơ học và lao động cao, trong tương lai gần khi các dự án hạ tầng được xây dựng thì việc giá nhà đất sẽ “bật lên” là tất yếu.
Bàn về các tâm điểm phát triển của Long An, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills cho rằng, năm 2021, các khu vực Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP. Tân An sẽ là trung tâm phát triển BĐS của Long An, trong đó Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc sẽ phát triển những dự án bất động sản trung – cao cấp, phục vụ tầng lớp lao động tri thức và chuyên gia làm việc, sinh sống tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra chính quyền địa phương cũng có định hướng phát triển KĐT Bến Lức thành là trung tâm hành chính – chính trị, thương mại, dịch vụ và Cần Giuộc sẽ là khu đô thị mang trọng trách xây dựng dịch vụ vui chơi giải trí cấp vùng. Điều này cũng là tiền đề cho hai thị trường này bùng nổ trong tương lai.
Hiện nay nút thắt chính khiến cho Long An dù tiềm năng nhưng chưa vươn mình mạnh mẽ chính là hạ tầng giao thông. Để giải quyết điểm hạn chế này, trong 2 năm qua, tỉnh liên tục ưu tiên ngân sách phát triển hạ tầng, trở thành một trong những tỉnh phía Nam chú trọng phát triển dự án giao thông trọng điểm như cao tốc TP.HCM – Trung Lương, Quốc lộ N2, đường ĐT 830… sắp tới, Long An còn hưởng lợi rất nhiều khi các trục giao thông chiến lược hoàn thành như cao tốc Bến Lức – Long Thành hay tuyến trục Tiền Giang – Long An – TP.HCM và cao tốc TP.HCM – Mộc Bài… Một khi bài toán hạ tầng được khơi thông, tiềm năng của thị trường này sẽ bùng nổ mạnh mẽ.